Vai trò cố vấn khởi nghiệp (MENTOR) trong hành trình phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Vai trò cố vấn khởi nghiệp (MENTOR) trong hành trình phát
triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Tìm cho bản thân hay công ty một hoặc nhiều cố vấn khởi nghiệp
giờ đây đã trở thành một đầu mục thường xuyên xuất hiện trong bản danh sách dài
những việc cần thực hiện của các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
(startup), nhóm hay cá nhân ngay khi bắt đầu hành trình đưa ý tưởng sáng tạo
thành sản phẩm và dịch vụ kinh doanh. Cung cấp cố vấn khởi nghiệp theo đó cũng
là một dịch vụ không thể thiếu tại các cơ sở ươm tạo, tăng tốc kinh doanh,
chương trình hỗ trợ và cuộc thi khởi nghiệp.
1.
Cố vấn khởi nghiệp mang lại lợi ích gì?
Các startup có thể nhận được lợi ích rất cụ thể từ những
chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của cố vấn khởi nghiệp. Khi tiến hành khảo sát
với quy mô nhỏ tại các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp có cung cấp dịch vụ cố vấn khởi
nghiệp, phản hồi từ các nhóm và công ty khởi nghiệp ghi nhận lợi ích từ quá
trình làm việc cùng cố vấn khởi nghiệp bao gồm: (a) Cơ hội tiếp cận mạng lưới
kinh doanh: 30%; (b) Học hỏi từ kiến thức và kinh nghiệm: 28%; (c) Được tạo động
lực, truyền cảm hứng: 20%; (d) Cải thiện năng lực ra quyết định: 16%; và (e) Nhận
trợ giúp tài chính: 6%. Thống kê do Endeavor thực hiện với các công ty khởi
nghiệp công nghệ tại New York trong giai đoạn từ 2003 đến 2013 cho biết, các
công ty có làm việc cùng cố vấn khởi nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh số cao
hơn 3,5 lần và khả năng gọi được vốn cao hơn 7 lần.
2.
Cố vấn khởi nghiệp làm gì?
Cố vấn khởi nghiệp – được chuyển ngữ từ “mentor” ở tiếng Anh
– là thuật ngữ xuất hiện phổ biến ở Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây. Thời
gian đầu, có nhiều cách hiểu khác nhau về định nghĩa “mentor” và theo đó, cách
thực hành các công việc của mentor cũng khác nhau. Trong 2 năm qua, hệ sinh
thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam dần đạt được đồng thuận về khái niệm
“cố vấn khởi nghiệp” (mentor). Cố vấn khởi nghiệp là mối quan hệ tự nguyện và
dài hạn (thường từ 6 đến 12 tháng) giữa cố vấn (mentor) với người khởi nghiệp
(entrepreneur), trong đó, người cố vấn sử dụng kỹ thuật đặt câu hỏi, chia sẻ hiểu
biết và kinh nghiệm để dìu dắt người khởi nghiệp phát triển năng lực giải quyết
vấn đề và năng lực lãnh đạo.
Trên thực tế, khi tương tác với người khởi nghiệp, người cố
vấn khởi nghiệp, ở từng thời điểm và hoàn cảnh cụ thể, thể hiện một vai trò
khác nhau.
Người cố vấn trước tiên làm người lắng nghe và đặt câu hỏi.
Các startup thường tìm đến cố vấn để tìm câu trả lời tháo gỡ khó khăn đang phải
đương đầu. Nhưng công việc của cố vấn khởi nghiệp không phải là đưa ra câu trả
lời. Những thách thức mà một công ty khởi nghiệp phải đối diện muôn hình vạn trạng
và thay đổi liên tục. Không có một giải pháp hoàn hảo cho tất cả các startups.
Cũng không có vị cố vấn nào đủ tài giỏi để giải đáp hết mọi thắc mắc và vấn đề.
Điều quan trọng là, sau thời gian làm việc cùng cố vấn, các startup có năng lực
tự tìm ra giải pháp cho chính mình. Khi đó, người sáng lập công ty thực sự trở
thành nhà lãnh đạo dẫn dắt đội ngũ của mình trong môi trường kinh doanh cạnh
tranh.
Người cố vấn làm người truyền cảm hứng. Hành trình khởi nghiệp
có rất nhiều áp lực và trở ngại. Các nhà sáng lập dù có mạnh mẽ, tự tin và vững
vàng tới đâu cũng luôn cần được động viên. Sẽ rất hiệu quả khi nguồn cảm hứng để
tiến bước đến từ sự đồng cảm và chia sẻ trải nghiệm từ những người đã từng vượt
qua thử thách tương tự để có được thành tựu như hôm nay.
Người cố vấn làm giảng viên. Khi bắt đầu hành trình khởi
nghiệp, nhà sáng lập mau chóng nhận ra nhu cầu học hỏi rất nhiều – từ kiến thức
chuyên môn, tới kỹ năng quản trị, tới cách ra quyết định và tư duy lãnh đạo –
và phải học rất nhanh để bắt kịp guồng quay của thị trường. Khi này, người cố vấn
là người mang kiến thức tới và đưa ra chỉ dẫn để quá trình học tập có hiệu quả
tốt nhất.
Người cố vấn làm huấn luyện viên. Mọi ý tưởng kinh doanh đều
tuyệt vời nhưng chỉ ý tưởng được thực thi hiệu quả mới đem lại lợi nhuận và
thành công. Bắt tay vào thực thi ý tưởng là lúc người khởi nghiệp bối rối trước
nhiều công việc chưa từng thực hiện. Người cố vấn với trải nghiệm phong phú sẽ
đồng hành cùng nhà sáng lập xử lý từng phần việc cụ thể, dìu dắt để nhà sáng lập
trở nên thành thục trong công việc sản xuất, kinh doanh, và quản trị điều hành.
Vai trò huấn luyện viên và cố vấn khởi nghiệp có rất nhiều tương đồng với nhau.
Điểm khác biệt trọng yếu là: (i) một huấn luyện luôn có câu
trả lời tuyệt vời cho những câu hỏi của bạn; còn một cố vấn khởi nghiệp luôn đặt
ra câu hỏi tuyệt vời để bạn tìm thấy câu trả lời. (ii) Huấn luyện viên cũng
không chia sẻ nguồn lực như bài học trải nghiệm thành công hay thất bại và các
mối quan hệ kinh doanh.
Người cố vấn làm nhà tư vấn. Khi công ty khởi nghiệp phải giải
quyết công việc cần tới năng lực chuyên gia mà người cố vấn có thể đáp ứng thì,
tùy vào tình huống cụ thể, người cố vấn có thể làm việc cùng công ty như một
chuyên gia tư vấn.
Người cố vấn làm đối tác kinh doanh và/hoặc nhà đầu tư.
Trong một vài tình huống thực tế, kết quả của quá trình làm việc gần gũi và tin
tưởng lẫn nhau là người cố vấn trở thành đối tác kinh doanh và/hoặc nhà đầu tư
của công ty khởi nghiệp. Những trao đổi cởi mở, trung thực và chuyển biến tích
cực của bản thân người sáng lập, của công ty khởi nghiệp có sức thuyết phục rất
lớn với quyết định đầu tư hay cộng tác kinh doanh của người cố vấn. Tuy nhiên,
đây là thời điểm nên xác định lại mối quan hệ và vai trò của người cố vấn khởi
nghiệp để tránh những xung đột lợi ích phát sinh.
3.
Ai có thể làm cố vấn khởi nghiệp?
Cố vấn khởi nghiệp lý tưởng nhất là doanh nhân giàu kinh
nghiệm và thành tích kinh doanh. Đã có sự xuất hiện nhiều hơn của những doanh
nhân tiền bối trong các sự kiện khởi nghiệp với vai trò diễn giả chia sẻ kinh
nghiệm gây dựng sản nghiệp sau nhiều thập kỷ, truyền cảm hứng và định vị tầm
nhìn đúng đắn cho các thế hệ khởi nghiệp tiếp nối. Tuy nhiên, lịch làm việc bận
rộn và khoảng cách xa về thế hệ có lẽ là yếu tố gây cản trở nhiều nhất cho nỗ lực
xây dựng mối quan hệ cố vấn khởi nghiệp với các bậc cha chú.
May mắn là, không cần đạt tới những thành tựu kinh doanh đồ
sộ, kinh nghiệm thương trường và mạng lưới quan hệ kinh doanh của những thế hệ
đi trước luôn là nguồn tài nguyên quý với những người vừa khởi hành chuyến tàu
khởi nghiệp. Chủ của các doanh nghiệp đang trên đà tăng trường, những vị giám đốc
điều hành, nhà quản lý khối chức năng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đang nhiệt
thành đóng góp giá trị cho cộng đồng khởi nghiệp. Những doanh nhân này đang và
sẽ gia nhập cuộc chơi khởi nghiệp với nhiều vai trò như cố vấn khởi nghiệp
(mentor), nhà đầu tư thiên thần (angel investor), thậm chí là nhà đầu tư sáng lập
(venture builder).
Động lực nào để những doanh nhân vốn còn đang ngổn ngang với
công việc quản lý, điều hành cỗ máy kinh doanh của chính mình sẵn sàng bỏ thời
gian, công sức, quan hệ kinh doanh, và cả tiền bạc cho nỗ lực khởi nghiệp của
người khác? Một cách truyền thống, câu trả lời là trách nhiệm xã hội. Đúng
nhưng chưa đủ.
Trong không gian văn hóa cổ vũ tinh thần khởi nghiệp – năng
lượng tinh thần của những cá nhân (i) khát khao kiến tạo giá trị mới, (ii) sẵn
sàng chấp nhận bất trắc của thị trường, và (iii) nỗ lực phát triển năng lực nắm
bắt và hiện thực cơ hội kinh doanh – việc tham gia, thậm chí là gắn bó, với hệ
sinh thái khởi nghiệp đang dần trở thành một chức năng hoạt động của người
doanh nhân.
Mong muốn đóng góp giá trị cho các nỗ lực khởi nghiệp kế tiếp
và cơ hội tiếp cận các ý tưởng và mô hình kinh doanh mới là động lực để các
doanh nhân tham gia cố vấn khởi nghiệp. Từ trải nghiệm bản thân, những cố vấn
khởi nghiệp này thấu hiểu giá trị của câu hỏi đúng giúp xác định rõ ràng hành
trình khởi nghiệp ra sao. Họ cũng biết rằng ý tưởng luôn rất nhiều và thử nghiệm
đưa ý tưởng ra thị trường luôn tốn kém, gian truân, nhiều thách thức. Bởi thế,
càng sớm trợ giúp thế hệ mới khởi nghiệp phát triển năng lực thì cộng đồng kinh
doanh càng có thêm cơ hội đón nhận những gương mặt thành công mới, nguồn lực xã
hội càng được phân bổ và sử dụng hiệu quả.
Bên cạnh các doanh nhân, cộng đồng cố vấn khởi nghiệp còn có
sự tham gia tích cực của các giảng viên đại học, người cung cấp dịch vụ chuyên
môn (như luật sư, chuyên gia tư vấn), và những người triển khai các chương
trình hỗ trợ khởi nghiệp. Thách thức của những cố vấn khởi nghiệp này là chưa
có nhiều trải nghiệm kinh doanh. Dẫu vậy, mong muốn thúc đẩy tinh thần khởi
nghiệp của chính mình lại là động lực rất rõ ràng của những vị cố vấn này. Hơn
thế, quan hệ cố vấn khởi nghiệp luôn là quá trình học tập hai chiều. Sự gần gũi
về thế hệ cũng giúp người cố vấn và người khởi nghiệp làm việc cùng nhau thuận
tiện hơn. Theo quan sát thống kê của SME Mentoring, chương trình cố vấn khởi
nghiệp hoạt động từ năm 2011 tại Tp. Hồ Chí Minh, người cố vấn khởi nghiệp có
hiệu quả làm việc tốt khi ở trong độ tuổi từ 35 tới 40 và đã có thời gian thực
hành cố vấn khởi nghiệp trên 12 tháng.
Bình luận